1. Chuẩn bị trang phục phỏng vấn: Một vẻ ngoài tươm tất sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc thể hiện mình. Hãy chọn cho mình một bộ trang phục thoải mái, vừa vặn nhưng vẫn đảm bảo lịch sự. Điều này sẽ thể hiện được thái độ chuyên nghiệp, trưởng thành cũng như sự tôn trọng của bạn đối với người tuyển dụng đấy. Ngoài ra, những chi tiết nhỏ cũng cần được quan tâm. Hãy đảm bảo rằng móng tay của bạn luôn sạch sẽ, tóc được chải gọn gàng và nên nhớ, cũng đừng trang điểm lòe loẹt nếu bạn không muốn nhà tuyển dụng phát hoảng vì bạn.
2. Có sự tìm hiểu: Để tự tin khi đi phỏng vấn, bạn phải hiểu rõ nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì ở một ứng cử viên. Trước hết, bạn cần đọc thật kỹ bản miêu tả công việc, sau đó đối chiếu với năng lực, kinh nghiệm của mình và tập trung hết sức thể hiện vào những điểm mạnh. Có thể bạn vẫn còn nhiều điểm yếu, nhưng hãy cứ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy mình hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu cơ bản và sẵn sàng học hỏi trong tương lai.Ngoài ra, bạn cũng cần chắc chắn rằng mình nắm rõ các thông tin cơ bản về công ty, thành tựu, ngành nghề, lĩnh vực mà bạn vừa ứng tuyển… Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những thông tin này qua trang web công ty hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng.
3. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể: Dù bạn đang đứng hay ngồi im, nhà tuyển dụng cũng “đọc” được ở bạn điều gì đó. Việc cúi gằm mặt xuống, hay lúc nào cũng mân mê bàn tay sẽ làm bạn bị đánh giá là nhút nhát, thiếu tự tin. Bạn cần tập giao tiếp bằng ánh mắt, mỉm cười nhẹ nhàng, chú ý lắng nghe và gật đầu khi cần thiết. Hãy thể hiện sự hứng thú của minh bằng cách nghiêng người nhẹ về phía nhà tuyển dụng. Ngoài ra, hãy trả lời câu hỏi với âm lượng vừa phải, đừng ngắt nghỉ lung tung với những âm thanh vô nghĩa như “à”, “ờm”,…
4. Luyện tập trước những câu hỏi thường gặp: Càng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ hội có được công việc sẽ càng cao hơn. Trước khi đến buổi phỏng vấn, hãy viết ra một danh sách những câu hỏi phổ biến. Nhà tuyển dụng thường hỏi những câu hỏi như: kinh nghiệm làm việc của bạn, điểm mạnh, điểm yếu, lí do bạn ứng tuyển vị trí này, vì sao bạn có hứng thú với công ty, mức lương mong muốn của bạn,…. Hãy tưởng tượng cuộc hội thoại trong đầu, sắp xếp các ý tưởng và luyện tập trả lời nó cho đến khi nhuần nhuyễn.
5. Viết email cảm ơn: Có thể trong buổi phỏng vấn bạn thể hiện còn nhiều thiếu sót do sức ép tâm lý, vậy thì hãy tận dụng email cảm ơn để ghi điểm hơn. Đây là một cơ hội tốt để nhắc lại một lần nữa rằng bạn là một ứng viên phù hợp. Bạn có thể cảm ơn họ vì đã dành thời gian cho bạn, tổng kết lại những gì mình rút ra sau buổi phỏng vấn và bày tỏ mình rất mong chờ cho vị trí công việc này. Nhớ là phải viết ngắn gọn và gửi nhanh nhất có thể trong 24 giờ sau buổi phỏng vấn nhé.